Cắt giảmsản lượng do lợi nhuận giảm mạnh
Trong năm 2016, lợi nhuận ròng của các công ty sản xuất phân bón quy mô lớn trên thế giới là PotashCorp (Canađa) và Công ty Mosaic Co. (Mỹ) đã giảm mạnh. Lợi nhuận ròng của PotashCorp trong quý II-2016 đã giảm 71%, xuống chỉ còn 212 triệu USD so với 417 triệu USD cùng kỳ năm trước. Để tiết kiệm chi phí, Công ty đã phải cắt giảm 60% cổ tức chia cho các cổ đông. PotashCorp cũng dự báo lợi nhuận ròng cả năm 2016 sẽ giảm 30-50% so với năm trước. Đây có khả năng sẽ là mức lợi nhuận ròng hàng năm thấp nhất mà Công ty thu được trong 12 năm qua.
Trong năm 2016, PotashCorp đã phải đóng cửa mỏ New Brunswick. Trong năm 2017 Công ty dự định sẽ tiếp tục tạm ngừng vận hành một số mỏ khác sau khi hoàn thành chương trình mở rộng mỏ Rocanville tại Saskatchewan, đây là mỏ có chi phí thấp nhất của PotashCorp.
Công ty Mosaic đã bị lỗ ròng 10 triệu USD trong quý II-2016, kết quả này kém hơn nhiều so với mức lợi nhuận ròng 391 triệu USD trong quý II năm trước. Thu nhập của Công ty cũng giảm 32,7 %, xuống chỉ còn 1,67 tỉ USD.
Công ty Mosaic đã quyết định tạm ngừng vận hành mỏ kali gần Colonsay (Saskatchewan, Canađa) cho đến hết năm 2016.
Hai công ty lớn khác trong ngành sản xuất phân bón thế giới là Agrium và CF Industries Holdings cũng phải lên tiếng cảnh báo về những thời gian khó khăn trước mắt do tình trạng nguồn cung dư thừa đang gây áp lực mạnh lên giá phân bón toàn cầu.
So với các công ty phân bón khác, lợi nhuận của Công ty Agrium giảm ít hơn, khoảng 16%, do lĩnh vực bán lẻ của Công ty đã giúp giảm bớt tác động của giá phân đạm và phân kali thấp. Thu nhập ròng của Agrium giảm xuống 564 triệu USD so với 674 triệu cùng kỳ năm trước. Công ty cũng dự kiến lợi nhuận cả năm sẽ giảm.
Trong thời gian qua, giá phân đạm đã phải chịu áp lực trên thị trường quốc tế do Trung Quốc tăng cường xuất khẩu urê và các nhà máy phân đạm mới đi vào vận hành tại Bắc Mỹ.
Lợi nhuận quý II-2016 của Công ty CF Industries Holdings (Mỹ) giảm 87%, đồng thời Công ty cũng cảnh báo giá phân bón có thể tiếp tục duy trì ở mức thấp trong năm 2017. Thu nhập ròng quý II-2016 của Công ty giảm 47 triệu USD so với năm trước, xuống chỉ còn 307 triệu USD.
Hy vọng cải thiện trong thời gian tới ?
Sau những thách thức đã trải qua trong năm 2016, các công ty Mosaic và PotashCorp tin rằng thời kỳ khó khăn nhất đã đi qua, ít nhất là đối với ngành sản xuất phân kali.
Một giám đốc điều hành của PotashCorp cho biết, họ tin rằng tình trạng bất ổn đang gây áp lực lên thị trường phân kali đã giảm đi và quá trình hồi phục đang bắt đầu.
Những thỏa thuận về việc thiết lập giá phân kali bán cho thị trường Trung Quốc và Ấn Độ đã bị trì hoãn trong năm 2016, dẫn đến việc giảm lượng xuất khẩu loại phân bón này. Nhưng đến tháng 8-2016, Công ty Canpotex – công ty tiếp thị cho PotashCorp và các nhà sản xuất phân kali khác – đã ký hợp đồng cung ứng phân bón cho Ấn Độ và tiến hành đàm phán với Trung Quốc, nhờ đó đã dẫn đến hy vọng về việc gia tăng xuất khẩu phân kali vào hai thị trường này trong thời gian tới.
Theo giám đốc của PotashCorp, giá phân bón đang khá rẻ so với thu nhập từ cây trồng, do đó sẽ khuyến khích người nông dân tăng cường sử dụng phân bón.
Chủ tịch Công ty Mosaic cũng cho rằng, tuy môi trường kinh doanh trong ngành sản xuất phân bón đang ẩn chứa rất nhiều thách thức, nhưng họ thấy có những dấu hiệu về sự ổn định của thị trường trong nửa sau của năm 2016, giá phân bón có khả năng đã chạm đáy và nhu cầu phân bón vẫn vững chắc.
Chủ tịch Công ty Agrium khẳng định, 60% công suất phân đạm toàn cầu xuất phát từ các nhà máy đang bị thua lỗ với giá phân đạm hiện nay.
Phần lớn những nhà máy như vậy nằm ở Trung Quốc – đây là quốc gia xuất khẩu phân đạm với chi phí cao nhất trên thế giới. Tình trạng này đã dẫn đến việc giảm đáng kể sản lượng cũng như lượng xuất khẩu phân đạm của Trung Quốc trong những tháng giữa năm 2016.
Mặt khác, Công ty Agrium cho rằng sản lượng thu hoạch cây trồng lớn tại Mỹ như những năm qua sẽ làm giảm hàm lượng chất dinh dưỡng trong đất, vì vậy người nông dân Mỹ sẽ phải tăng cường mua thêm phân bón để bổ sung chất dinh dưỡng cho đất.
Tạp chí CNHC số 2-2017