Sự kiện giàn khoan 981 cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục có các hành động đơn phương nhằm tạo ra “chuyện đã rồi” trên Biển Đông, đồng thời lợi dụng sự khác biệt trong ASEAN để giảm thiểu áp lực quốc tế.
Trung Quốc điều tàu và máy bay cản trở lực lượng cảnh sát biển Việt Nam thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Ảnh: Reuters
Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gây chấn động dư luận quốc tế. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh cũng từng hai lần tìm cách tiến hành thăm dò tại khu vực này, nhưng đều rút đi sau khi vấp phải sự phản đối của Hà Nội.
Tháng 6/2013, trong chuyến công du Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, hai nước còn nhất trí sẽ tìm phương thức tiến hành khai thác chung dầu khí. Với sự kiện lần này, Bắc Kinh đã đơn phương phá vỡ nguyện vọng hợp tác tích cực trên.
Giới phân tích nhận định rằng chiến thuật mới của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp biển đảo là tạo ra tình thế “chuyện đã rồi”, từ đó ép đối phương hoặc là phải chấp nhận, hoặc là đi đến xung đột.
“Việc hạ đặt giàn khoan đắt tiền trên dường như cho thấy Trung Quốc ngày càng muốn có hành động lấn tới, sau đó mới chịu tiến hành đàm phán ngoại giao”, bình luận viên Jane Perlez của tờ New York Times đánh giá.
Chiến thuật mới của Trung Quốc đã được áp dụng từ cuối năm 2013 với việc đơn phương thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bao trùm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản.
Hiện nay, Bắc Kinh đang sử dụng công cụ nguy hiểm tiềm tàng trong chiến lược thôn tính Biển Đông, là ngành công nghiệp dầu khí với những giàn khoan mà quan chức nước này gọi là “lãnh thổ quốc gia di động”.
Hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí cần đầu tư và sự bảo hộ trên quy mô lớn, tạo cớ để tàu hải cảnh và chiến hạm Trung Quốc xuất hiện xung quanh. Lần này, Bắc Kinh huy động hơn 80 tàu, máy bay cản trở lực lượng cảnh sát biển Việt Nam thi hành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền.
“Trung Quốc luôn tiến hành sách lược tằm ăn lá dâu, nhằm tăng cường sự hiện diện của họ tại Biển Đông. Nhưng cách làm lần này là một sự khởi đầu mới”, bà Holly Morrow, chuyên gia Biển Đông thuộc Trung tâm Belfer, đại học Harvard, bình luận.
Hiện nay chưa rõ liệu chiến thuật mới này có giúp Trung Quốc đạt được mục đích hay không. Nhưng hai năm trước đây, Bắc Kinh đã đoạt được quyền khống chế bãi đá Scarborough/Hoàng Nham khỏi tay Philippines.
Giới quan sát quốc tế cho rằng Việt Nam đã có phản ứng mạnh mẽ, quả quyết trước hành động vi phạm pháp luật quốc tế lần này của Trung Quốc. Trong Hội nghị cấp cao ASEAN hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảnh báo rằng Bắc Kinh đang gia tăng các hành động cực kỳ nguy hiểm, đồng thời kêu gọi ASEAN và cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối hành vi nghiêm trọng trên.
Nguyên thủ các nước ASEAN tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 24 của khối tại Naypytaw, Myanmar, hôm nay. Ảnh: AFP
Thời điểm hạ đặt trái phép giàn khoan rất gần với Hội nghị cho thấy Trung Quốc muốn thử thách quyết tâm và khả năng ứng phó của các quốc gia Đông Nam Á. “Hành động của Trung Quốc rõ ràng là một âm mưu được tính toán kỹ từ trước”, Wall Street Journal dẫn lời một quan chức ngoại giao châu Á giấu tên cho biết.
Lần đầu tiên trong 20 năm, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN ra tuyên bố riêng về Biển Đông, thể hiện sự quan ngại sâu sắc về những sự việc đang diễn ra và kêu gọi các bên liên quan không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Một ngày sau đó, lãnh đạo các nước thành viên thống nhất ra tuyên bố chung Naypytaw, trong đó kêu gọi các bên sử dụng biện pháp hòa bình và không làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, đồng thời cần sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC).
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng kết quả Hội nghị dù đã có những điểm khác biệt với trước đây, vẫn chưa thỏa mãn được mong muốn của các quốc gia liên quan, bởi không nêu đích danh Trung Quốc trong các tuyên bố chung.
“Tuyên bố của các ngoại trưởng ASEAN chỉ lặp lại lập trường của khối trên vấn đề tranh chấp, không có đột phá”, Tiến sĩ Ian Storey thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore đánh giá.
Không đồng tình với nhận định trên, các quan chức ASEAN cho rằng tuyên bố đã gửi đi “một tín hiệu mạnh mẽ”, thể hiện quyết tâm giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình.
“Người ta có thể cho rằng ngoài việc thể hiện mối quan ngại sâu sắc ra, tuyên bố của ASEAN không có ý gì mới, nhưng nó cho thấy lập trường thống nhất trước nay của chúng tôi”, Tổng thư kí ASEAN Lê Lương Minh cho biết.
Trên vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh trước nay vẫn vận dụng chiến lược kép với ASEAN, một mặt tỏ thái độ muốn hiệp thương, đàm phán, mặt khác lại lợi dụng những bất đồng trong nội bộ khối để tránh đối mặt với quá nhiều áp lực.
Với mức độ lệ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế, chính trị khác nhau, đa số các nước không liên quan đến tranh chấp đã tránh né việc phải đứng về bên nào. Điều đó được cho là nguyên nhân dẫn đến việc hội nghị ngoại trưởng tại Phnom Penh năm 2012 lần đầu trong lịch sử không thể ra được tuyên bố chung, bởi bất đồng sâu sắc giữa các bên.
Mặc dù là quốc gia có mối liên hệ mật thiết với Trung Quốc, nước chủ nhà Myanmar năm nay đã nỗ lực để tránh tái diễn kịch bản trên, thậm chí còn đề nghị các nước có hành động tập thể và thống nhất trong các vấn đề mà ASEAN có quan tâm chung, tuy không nhắc trực tiếp đến Biển Đông.
Tuy nhiên, với những sự khác biệt cố hữu và hạn chế trong cơ chế quyết sách, các nước thành viên ASEAN được cho là vẫn sẽ chỉ dựa vào Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 để tìm kiếm lập trường chung, cũng như thúc đẩy đàm phán COC.
Nhưng tương lai đạt được COC được nhận định là quá trình lâu dài, nhiều ẩn số, bởi Trung Quốc không mong muốn bị ràng buộc bởi một thỏa thuận có tính pháp lý. Tổng thư ký Lê Lương Minh cũng thừa nhận rằng các quan chức ASEAN và Trung Quốc đã có ba vòng hội đàm, nhưng chỉ tập trung vào các vấn đề thủ tục.
“Chúng tôi cho rằng điều cấp thiết hiện nay là triển khai tiếp xúc với Trung Quốc về các cuộc hội đàm mang tính thực chất. Đương nhiên, điều này cũng giống như nhảy valse vậy, chỉ một phía mong muốn thôi là không bao giờ đủ”, một cựu thứ trưởng ngoại giao bình luận.
Đức Dương
Nguồn: vnexpress.net